Lập kế hoạch học tập tiếng Nhật
Lập kế hoạch học tập tiếng Nhật
Sau khi đã xây dựng mục tiêu học tập tiếng Nhật rõ ràng, đủ thách thức, trong bài viết này VijaExpress xin cùng các bạn đi xây dựng 1 kế hoạch học tập tiếng Nhật, các bạn có thể áp dụng cho 4 năm đại học, cho từng năm hoặc cho từng lần luyện thi năng lực tiếng Nhật.
Tại sao cần phải Lập kế hoạch học tập tiếng Nhật :
- Nếu như mục tiêu học tập chỉ cho bạn cái đích để bạn hướng tới, thì kế hoạch học tập sẽ chỉ ra cho bạn các bước cần phải đi, những công việc cần phải làm để bạn có thể đạt tới đích một cách chắc chắn, nhanh chóng, và phù hợp với bản thân cũng như với nguồn lực thời gian, tiền bạc mà bạn có.
- Kế hoạch học tập sẽ giúp bạn phân bổ thời gian 1 cách hợp lý (nhất là những kế hoạch chi tiết), kế hoạch hoc tập sẽ giúp bạn kiểm tra xem những việc mình đang làm có đủ giúp bạn đạt tới mục tiêu hay không, nếu không đủ, bạn sẽ cần phải điều chỉnh lại các việc mình đang làm.
- Kế hoạch học tập giúp bạn an tâm, tập trung toàn lực vào công việc hiện tại, không phải lo lắng xem các việc khác sẽ làm như nào, vì bạn đã bố trí thời gian cho nó rồi
- Bạn có thể mất khoảng 1 tới 2 giờ để lập kế hoạch học tập tiếng Nhật, tuy nhiên đừng ngại, đừng chần chừ bỏ ra thời gian đó, lợi ích mà nó mang lại cho bạn sẽ gấp rất rất nhiều lần
Các loại kế hoạch học tập và ôn luyện :
Các bạn có thể lập kế hoạch học tập tiếng Nhật cho mình theo 2 loại kế hoạch :
- Kế hoạch trung hạn với thời gian khoảng 2 tới 4 năm, nội dung của kế hoạch này sẽ khái lược lại những công việc chính mà bạn sẽ cần phải làm trong thời gian (2 tới 4 năm đó), ví dụ bạn đặt mục tiêu trở thành phiên dịch tiếng Nhật trong 3 năm, bạn có thể bố trí 1 năm đầu tập trung nhiều vào việc học căn bản và tìm hiểu 1 số kiến thức về lĩnh vực mà bạn có thể phải dịch (có hiểu lãnh vực đó bạn mới dịch được chứ :D), hãy tìm hiểu lĩnh vực mà bạn thích, coi như thời gian giải trí (ví làm cái gì mình thích thường rất hứng thú ? ). Sang năm thứ 2 bạn sẽ vừa luyện thi và luyện thêm kỹ năng nghe nói nhiều hơn, năm thứ 3 sẽ là thời gian để luyện dịch nói và dịch viết, cũng như bồi bổ từ vựng chuyên nghành.
- Với kế hoạch ngắn hạn, thường có thời gian khoảng 6 tháng tới 1 năm, bạn sẽ căn cứ vào kế hoạch trung hạn trên để xác định việc cần làm trong năm đó, bạn triển khai tiếp nhiệm vụ cho từng quý, từng tháng và từng ngày. Xác định được các bố trí thời gian trong từng ngày là điều rất cần thiết cho kế hoạch này.
Lập kế hoạch học tập tiếng Nhật như thế nào?
Thực ra việc lập kế hoạch học tập tiếng Nhật không khó, bạn chỉ cần 1 mục tiêu, sau đó tính toán nguồn lực mà mình có (chủ yếu là thời gian), và phân bổ mục tiêu thành các nhiệm vụ nhỏ, rồi chia các nhiệm vụ nhỏ đó cho các khoảng thời gian mà mình thực hiện, cứ tiếp tục như vậy tới khi bạn bố trí được thời gian cho từng ngày làm việc.
Ví dụ bạn muốn lấy được N5 sau 1 tháng học tiếng Nhật, các bạn cần nắm được những điều cần biết về kỳ thi năng lực tiếng Nhật N5, nắm được cấu trúc đề thi năng lực tiếng Nhật N5, tính toán được lượng từ vựng tiếng Nhật N5, số lượng Kanji N5 hay các cấu trúc ngữ pháp N5 cần phải học. Bạn tính và chia ra thành từng ngày (ví dụ 25 ngày), bạn sẽ biết được lượng từ vựng, Kanji, hay ngữ pháp mà mình cần phải học mỗi ngày là bao nhiêu, ngoài ra các bạn cần bố trí thời gian luyện Nghe, luyện đọc và thỉnh thoảng làm các đề thi tiếng Nhật N5 để vừa ôn và vừa nắm được cấu trúc đề thi để kiểm tra khả năng của mình. Từ khối lượng từ vựng, Kanji… cần phải học trong 1 ngày, bạn hãy xem bạn có thể học lượng công việc đó trong mấy tiếng, thời gian học nào là tốt nhất cho từng loại, từ đó bố trí thời gian trong ngày cho nó. Thời gian còn lại là để thư giãn, tìm hiểu, chuẩn bị thêm cũng như làm các việc khác. Tới đây bạn đã biết 1 cách sử dụng 1 ngày của mình như thế nào để đạt được mục tiêu rồi !
Đối phó với các việc phát sinh :
Trong quá trình thực hiện kế hoạch, chắc chắn sẽ có những việc bạn không lường trước được (ốm đau, hiếu hỉ…), có những việc bạn có thể từ chối (bạn bè rủ tụ họp, hiếu hỉ…), cũng có những việc bạn không thể không làm (nghỉ ngơi cho khỏi ốm), chính vì vậy bạn cần bố trí những khoảng thời gian đệm, những khoảng thời gian dự phòng. Ví dụ 1 tuần bạn không thể học cả 7 ngày được, hãy học trong 6 ngày và để dư 1 ngày dự phòng để ôn luyện, thư giãn, và để đối phó với việc phát sinh. Khi lập kế hoạch học tập tiếng Nhật, cũng như bất cứ kế hoạch nào khác, bạn chớ quên thời gian này
Xem lại kế hoạch mỗi ngày :
Cuối mỗi ngày, hãy dành vài phút để xem lại 1 ngày học tập của bạn hôm nay được mấy điểm. Hoàn thành xuất sắc được 10, và cứ như vậy trừ đi ? Nếu xuất sắc có thể có thưởng, nếu kém sẽ bị phạt ? Hãy tạo thêm niềm vui cho việc thực hiện kế hoạch theo cách của bạn
Kiên định với việc thực hiện kế hoạch :
Vậy là bạn đã có được kế hoạch chi tiết cho mình, giờ là lúc bạn bắt đầu thực hiện kế hoạch. Hãy kiên định thực hiện mục tiêu, bởi trong quá trình thực hiện chắc chắn sẽ có nhiều trở lực, bao gồm cả khách quan (bạn bè, lịch học…) và chủ quan (lười nhác, dễ nãi, ham chơi, ham ngủ…). Hãy chiến thắng chúng, hãy thay đổi hãy vượt qua giới hạn của bản thân, phát triển mỗi ngày
Điều chỉnh kế hoạch :
Việc lập kế hoạch học tập tiếng Nhật được căn cứ trên cơ sở hiểu biết, dự đoán tại thời điểm hiện tại cho 1 khoảng thời gian trong tương lai, bởi vậy mọi việc có thể không được như kế hoạch, hoặc có thể làm tốt hơn kế hoạch (ví dụ bạn đặt mục tiêu học N5 trong 1 tháng, nhưng bạn có thể làm trong 3 tuần chẳng hạn), khi đó bạn sẽ cần phải điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp, tất nhiên bạn cần linh hoạt, nhưng cũng không nên lợi dụng việc linh hoạt điều chỉnh để thoả hiệp với sự lười nhác, vô tổ chức của bản thân
Leave a Comment