Hướng dẫn thủ tục xin visa đoàn tụ gia đình ở Nhật(家族滞在ビザ)
Hướng dẫn thủ tục xin visa đoàn tụ gia đình ở Nhật(家族滞在ビザ)
Sau khi đã ổn định công việc – cuộc sống tại Nhật, làm thế nào để có thể đón vợ(chồng) và con sang Nhật để đoàn tụ gia đình là thắc mắc của không ít bạn. Trong bài viết này, Tomoni sẽ hướng dẫn các bạn những thủ tục và giấy tờ cần thiết để xin được visa này.
»Xem thêm: Hướng dẫn gia hạn visa gia đình «
Visa đoàn tụ gia đình (家族滞在) là visa cấp cho vợ/chồng hoặc con của người đang lưu trú tại Nhật theo một trong các tư cách lưu trú sau đây để sang Nhật sinh sống.
『教授』(giáo sư)、『芸術』(nghệ thuật)、『宗教』(tôn giáo)、『報道』(báo chí)、『経営・管理』(kinh doanh-quản lý)、『法律・会計業務』(luật-kế toán)、『医療』(y tế)、『研究』(nghiên cứu)、『教育』(giáo dục)、『技術・人文知識・国際業務』(visa kỹ thuật hoặc nghiệp vụ quốc tế ※ thường gọi tắt là visa lao động) 、『企業内転勤』(chuyển công tác nội doanh nghiệp)、『技能』(kỹ năng)、『文化活動』(hoạt động văn hóa)、『留学』(du học).
Trong danh sách này, tư cách lưu trú quen thuộc với phần lớn các bạn Việt Nam là 2 loại visa: 技術・人文知識・国際業務 (visa lao động) và 『留学』(visa du học).
Tên gốc của loại visa này là 家族滞在 (tại trú theo gia đình), nên một số người hiểu nhầm là có thể đón cả bố, mẹ hoặc anh chị em ruột sang. Xong theo quy định chính thức của Bộ Tư Pháp Nhật Bản, thì chỉ có vợ/chồng đã có đăng ký kết hôn, và con(bao gồm cả con ruột và con nuôi có giấy tờ hợp pháp) là đối tượng có thể được bảo lãnh theo diện này.
Một lưu ý nữa là người có visa đoàn tụ gia đình ngoài các hoạt động sinh hoạt thường ngày, có thể tự do đi học tại các trường tiếng, trường senmon, trường đại học,...nhưng không được phép lao động kiếm tiền nếu chưa đăng ký hoạt động ngoài tư cách lưu trú với cục xuất nhập cảnh địa phương(Tiếng Nhật: 資格外活動許可の申請).
Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký, bạn sẽ được đóng 1 con dấu cho phép đi làm thêm dưới 28h/tuần vào sau thẻ lưu trú và có thể đi làm thêm hợp pháp với “giấy phép” này. Tuy vậy, hãy nhớ tuân thủ số giờ làm quy định, vì nếu làm quá giờ gặp đúng đợt truy quét của cảnh sát/cục XNC, dù có đóng thuế đầy đủ, bạn vẫn có thể bị chịu hình thức xử lý nặng nhất là trục xuất khỏi nước Nhật.
Minh hoạ: Dấu cho phép làm thêm đóng sau thẻ lưu trú
Xem thêm: Mẹ Việt ở Nhật đi làm thêm cần lưu ý gì về thuế và thu nhập
※ Nếu người bảo lãnh là người có visa vĩnh trú hoặc là người có quốc tịch Nhật thì vợ/chồng có thể đi làm không giới hạn số tiếng và cũng không cần đăng ký với cục XNC.
Tiêu chuẩn quan trọng nhất khi xét cấp visa gia đình đó là NĂNG LỰC KINH TẾ của người bảo lãnh. Người bảo lãnh phải chứng minh được mình có đủ khả năng kinh tế để nuôi người mình sẽ bảo lãnh sang, vì thế các giấy tờ để chứng minh năng lực tài chính của người bảo lãnh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong bộ hồ sơ.
Không có một tiêu chuẩn chính xác nào được ghi trong quy định của Bộ Tư Pháp cả, tuy vậy, trên thực tế, nếu người bảo lãnh là người có visa lao động và vướng vào 1 trong hai điều dưới đây thì khả năng xin được visa là cực kì thấp:
- Chậm đóng thuế(hoặc ko nộp thuế)
- Có thu nhập hàng tháng dưới 18 vạn yên/tháng
Nếu người bảo lãnh là người có visa du học, thì nên chuẩn bị sẵn số dư trong tài khoản ngân hàng đủ để trang trải những chi phí tối thiểu cho cuộc sống sinh hoạt của cả gia đình trong vòng ít nhất 6 tháng. Đối với các bạn du học sinh có học bổng, giấy tờ chứng minh khoản học bổng nhận được định kỳ hàng tháng cũng có tác dụng chứng minh cho năng lực tài chính của người bảo lãnh.
Sau khi chuẩn bị các giấy tờ trên, người bảo lãnh cầm lên cục XNC địa phương để nộp. Trong trường hợp người được bảo lãnh là người đã cư trú sẵn tại Nhật theo tư cách lưu trú khác thì người được bảo lãnh có thể cầm trực tiếp lên cục XNC để nộp. Có thể làm luôn thủ tục xin hoạt động ngoài tư cách lưu trú (xin dấu cho phép làm thêm) cùng lúc khi nộp thủ tục xin visa để tiết kiệm thời gian.
Leave a Comment