Tìm nơi ở tại Nhật
Bắt đầu cuộc sống sinh hoạt tại Nhật
Tìm nơi ở
Việc tìm nơi ở tại các thành phố lớn như Tokyo cũng là cả 1 vấn đề kể cả đối với người Nhật. Người Nhật khi đi tìm thuê nhà cũng phải vất vả đi khắp nơi. Hơn nữa, cũng có những chủ nhà và những công ty bất động sản không muốn cho người nước ngoài thuê nhà, nhưng bạn hãy thử can đảm đi tìm thử xem.
Những kiểu nhà có thể thuê
(1) Kí túc của trường học
Có trường có kí túc cho du học sinh những cũng có trường chỉ giới thiệu chỗ ở cho du học sinh. Những người gặp khó khăn về nơi ở khi đến Nhật, trước tiên hãy đến gặp người phụ trách vấn đề này của nhà trường.
(2) Kí túc của du học sinh
Có 1 vài kí túc xá dành cho du học sinh do nhà nước, thành phố Tokyo hoặc do các đoàn thể doanh nghiệp quản lý. Những nơi này có chi phí rẻ và trang thiết bị tốt nhưng số phòng có hạn và cần phải đủ điều kiện mới được vào ở. Cũng có trường hợp được giới thiệu qua ban phụ trách vấn đề nhà ở cho học sinh của nhà trường.
(3) Chung cư của nhà nước quản lý
Cũng có trường hợp người nước ngoài sống cùng gia đình tại Nhật trên 1 năm được đăng kí ở chung cư do tỉnh, thành phố hay quận huyện quản lý. Tuy nhiên những nhà chung cư như vậy mà tiện lợi về mặt đi lại thì thường có nhiều người muốn vào nên rất khó đăng kí. Hãy liên hệ với phòng đăng kí thuộc ban quản lý nhà ở tại địa phương.
(4) Kí túc dành cho nhân viên của công ty Nhật
Hiệp hội xúc tiến hợp tác với doanh nghiệp trong việc trợ giúp cho du học sinh (địa chỉ tại Nihonbashi quận Chuo) đang tiến hành hợp tác với các doanh nghiệp để xin nhận du học sinh vào ở trong kí túc xá của các công ty. Thủ tục xin vào ở được thông qua nhà trường.
(5) Nhà cho thuê của tư nhân
■Nhà trọ: Thường là những căn nhà 2 tầng có nhiều phòng, được làm bằng gỗ hoặc là nhà lắp ghép. Nhà bếp, nhà vệ sinh có thể có riêng hoặc là dùng chung. Nhiều nơi không có nhà tắm.
■Chung cư: Là những căn nhà trên 3 tầng được xây bê tông cốt thép. Bên trong căn hộ có đủ nhà bếp, nhà vệ sinh và phòng tắm. Tầng càng lên cao thì giá thuê càng cao.
■ Nhà riêng: Là những căn nhà riêng, thường có 1 hoặc 2 tầng kèm theo 1 khu vườn nhỏ. Có sẵn nhà bếp, nhà vệ sinh và phòng tắm.
■Ở cùng: Là hình thức ở chung 1 căn nhà với chủ nhà. Có rất nhiều hình thức, ví dụ như dùng chung hành lang, nhà tắm, nhà vệ sinh với chủ nhà, chỉ có phòng ở là riêng.
■Home stay: Ở cùng với chủ nhà như là 1 thành viên trong gia đình. Có rất nhiều người muốn ở theo hình thức này do có thể hiểu thêm về văn hóa cũng như tập quán của người Nhật, nhưng số gia đình cho ở home stay rất ít.
Những điều cần lưu ý khi tìm nhà
(1) Nếu không đủ trình độ tiếng Nhật dùng trong giao tiếp hàng ngày thì sẽ rất khó thuê nhà trọ của tư nhân.
Để thuê nhà trọ của tư nhân thì bạn cần nói chuyện với chủ nhà. Do có sự khác nhau trong thói quen sinh hoạt của từng vùng trên nước Nhật nên chủ nhà thường có xu hướng không muốn cho những người không nói tốt tiếng Nhật thuê vì không thể trao đổi về những vấn đề có thể gặp phải trong sinh hoạt hàng ngày.
(2) Tại những thành phố lớn như Tokyo hoặc Osaka thì chuyện mất 1 tiếng để đến trường là bình thường.
Cũng có người muốn sống ở nơi mà có thể đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường, nhưng trong trường hợp trường nằm ở những khu phố trung tâm thì việc này là rất khó. Người dân hoặc học sinh người Nhật thường cân nhắc tình trạng nhà ở và tình trạng tài chính bản thân mà chọn phương án mất trên 1 tiếng để đến trường hay đến chỗ làm. Ngoài ra, việc sử dụng mạng lưới đường sắt, tàu điện ngầm 1 cách thành thạo cũng là 1 việc quan trọng. Suy nghĩ “không muốn đổi nhiều tàu” sẽ gây khó dễ cho bạn trong việc tìm chỗ ở. Tuy vậy, đối với những thanh niên trẻ như các bạn thì việc làm quen nhanh chóng với mạng lưới giao thông tưởng chừng như phức tạp là chuyện không hề khó.
(3) Quyết định giá thuê nhà cao nhất có thể trả
Hãy suy nghĩ trước 1 cách chính xác về số tiền thuê nhà có thể trả hàng tháng. Giá thuê phòng trọ tùy theo khu vực, tuổi đời ngôi nhà, trang thiết bị đi kèm cũng như diện tích. Ngoài ra hạn thanh toán tiền nhà cho hợp đồng thuê nhà trọ của tư nhân thường rất chặt chẽ, họ sẽ không cho các bạn nộp tiền chậm dù chỉ là 1 chút.
(4) Tìm hiểu về các từ ngữ hay dùng khi thuê nhà
Nhà trọ mà bao gồm 1 phòng ở + bếp thì gọi là “1K” (nếu là căn hộ chung cư thì sẽ gọi là “one room mansion”). Nhà trọ có 2 phòng + khu bếp có thể để bàn ăn gọi là “2DK” (2 phòng + Dining Kitchen), nếu căn bếp mà rộng hơn nữa thì gọi là “2LDK” (2 phòng + Living Dining Kitchen).
Giá thuê nhà
Nếu thuê nhà trọ của tư nhân, sẽ rất bất tiện nếu bạn không biết trước được giá cả thị trường. Thông thường, nếu gần trung tâm giá sẽ cao, nếu càng xa trung tâm giá càng rẻ. Ngoài ra giá thuê cũng khác nhau tùy vào khoảng cách đến ga, tuổi đời tòa nhà, môi trường xung quanh, ánh sáng, khu vực được ưu thích …
Cách tìm nhà ở
(1) Nhờ văn phòng của nhà trường giới thiệu
Những trường Nhật ngữ, đại học hay trường chuyên môn thường giới thiệu nhà trọ tư nhân ở quanh trường cho học sinh trong trường. Hãy đến liên hệ với văn phòng nhà trường.
(2) Thông qua công ty bất động sản
Công ty bất động sản là bên trung gian cung cấp dịch vụ cho thuê nhà. Bạn có thể nhìn thấy các công ty này ở quanh nhà ga với các biển hiệu như “Bất động sản ○○” hay “○○Home”. Trên cửa kính mặt trước các công ty này có dán rất nhiều những tờ giấy ghi thông tin nhà cho thuê rất dễ nhìn. → Hãy tìm đọc phần “Những tri thức cơ bản cần biết khi nhờ công ty bất động sản tìm thuê nhà”.
(3) Tìm nhà qua Internet
- Nếu tìm được căn nhà ưng ý, hãy thử gọi điện ngay.
Nếu tìm thấy căn nhà phù hợp với tiêu chí, hãy thử gọi điện ngay. Nếu trường hợp phòng đó cho thuê rồi thì hãy thử hỏi thêm “Có còn căn nào như vậy nữa không?”. Người Nhật cũng đi đến rất nhiều những công ty bất động sản để tìm được chỗ ở phù hợp.
Những tri thức cơ bản cần biết khi nhờ công ty bất động sản tìm thuê nhà
(1) Thông thường, ở những phòng cho thuê bình thường thì không có sẵn nội thất.
Ví dụ như trong bếp, có thể có bồn rửa nhưng nhiều chỗ sẽ không có bếp gas, và những vật dụng như rèm, thảm, bóng đèn cũng do người thuê tự lo.
(2) Tiền đặc cọc, tiền lễ (khoản phải trả trước cho chủ nhà mà không được trả lại), tiền môi giới.
Khi kí hợp đồng, bạn cần phải chuẩn bị sẵn 1 số tiền bằng khoảng 5 đến 6 tháng tiền nhà để chi trả cho các khoản như tiền đặt cọc, tiền lễ, tiền môi giới, tiền thuê nhà.
(3) Người bảo lãnh
Khi kí hợp đồng sẽ bị yêu cầu có người bảo lãnh người Nhật. Người Nhật khi đi thuê phòng cũng bị yêu cầu tương tự.
(4) Đi cùng với người giỏi tiếng Nhật
Khi tìm nhà thông qua công ty bất động sản, nếu đi cùng với bạn người Nhật hay người bảo lãnh, hoặc là sempai (anh chị đi trước) giỏi tiếng Nhật để có thể mặc cả giùm thì sẽ tốt hơn.
(5) Các bước khi nhờ công ty bất động sản môi giới
- Nói các yêu cầu của mình, nếu thấy có phòng phù hợp sẽ nhờ công ty bất động sản dẫn đến tận nơi xem phòng.
- Nếu xem thực tế mà không thích thì có thể từ chối. Bạn sẽ không bị tính phí hướng dẫn đi xem. Nếu thấy phòng hợp lý nhưng vẫn muốn suy nghĩ 1,2 ngày hay muốn bàn bạc với bạn thì hãy nói việc đó với người của công ty bất động sản.
- Khi đó có thể sẽ bị yêu cầu đóng trước “tiền đặt chỗ”. Nếu bạn trả tiền đặt trước, bạn sẽ có quyền ưu tiên được thuê phòng đó. Nếu sau đó bạn thuê phòng đó, số tiền này sẽ được tính vào tiền đặt cọc hoặc tiền lễ. Tuy nhiên, nếu bạn không thuê phòng thì trong hầu hết mọi trường hợp sẽ không được trả lại, vì vậy hãy suy nghĩ kĩ trước khi trả khoản tiền này.
(6) Những điểm cần lưu ý khi thuê phòng qua môi giới bất động sản
- Tiền thuê nhà 1 tháng là bao nhiêu. Ngoài ra có phí quản lý hay phí công cộng nào không.
- Điều kiện đi lại, khoảng cách đến nhà ga, có khu phố buôn bán gần nhà không, khoảng cách đến nhà tắm công cộng.
- Xem xét kĩ lượng ánh sáng chiếu vào phòng.
- Có thể sử dụng được lại máy sưởi nào. Có nhiều dãy phòng trọ không cho dùng máy sưởi chạy gas hay dầu hỏa để phòng chống cháy nổ.
- Có những nơi bị ô nhiêm tiếng ồn, vì vậy hãy hỏi ý kiến của những người dân sống quanh khu đó.
Những hiểu biết và điều cần chú ý khi kí hợp đồng thuê phòng
■Trong hợp đồng thuê nhà đều đã có ghi sẵn những nội dung cần thiết. Khi thuê nhà của tư nhân, hợp đồng sẽ được kí giữa chủ nhà và người thuê
■Thông thường, sẽ có khoảng 2 đến 3 bản hợp đồng, chủ nhà, người thuê và người bảo lãnh lần lượt kí tên đóng dấu và mỗi người sẽ giữ 1 bản.
■Nội dung hợp đồng thường do chủ nhà soạn sẵn. Ngoài ra, cũng có trường hợp công ty bất động sản sẽ đứng ra soạn thay chủ nhà.
■Hợp đồng sẽ là căn cứ cho việc đã trả trước bao nhiêu tiền đặt cọc cũng như những nội dung thuê hay thời gian thuê nên hãy cất giữ cẩn thận cho đến khi kết thúc hợp đồng.
(1) Những hiểu biết và từ trường chuyên môn khi kí hợp đồng
■Tiền thuê nhà: Là tiền thuê hàng tháng. Thông thường đến cuối tháng bạn sẽ phải trả tiền cho tháng tiếp theo. Đối với những căn hộ do công ty bất động sản quản lý, có trường hợp sẽ bị yêu cầu đóng thêm khoảng 10% nếu như chậm đóng tiền 1 tuần.
■Tiền đặt cọc: Là khoản tiền đặt cho chủ nhà để đảm bảo về những hư hỏng của phòng cũng như khi chậm nộp tiền hàng tháng, thông thường là 1 đến 2 tháng tiền nhà. Khi bạn trả lại phòng, chủ nhà sẽ dùng tiền này thuê người sửa chữa, dọn dẹp lại phòng, số tiền thừa còn lại sẽ được trả lại cho bạn.
■Tiền lễ: Là khoản tiền trả đứt cho chủ nhà, thông thường là 1 đến 2 tháng tiền nhà. Khác với tiền đặt cọc, khoản tiền này sẽ không được trả lại khi chuyển đi.
■Phí quản lý: Chi phí hàng tháng cho việc duy trì quản lý, dọn dẹp hay các khoản phí điện nước ở những khu vực chung như nhà vệ sinh, hành lang, cầu thang.
■Phí môi giới: Là khoản phí trả cho công ty bất động sản, thông thường là 1 tháng tiền nhà.
(2) Hãy kí hợp đồng sau khi đã hiểu rõ nội dung
Việc rất khó để hiểu rõ những từ ngữ trường chuyên môn liên quan đến pháp luật thì ở quốc gia nào cũng có. Tuy nhiên khi kí tên đóng dấu lên hợp đồng thì đã coi như là có hiệu lực trước pháp luật, vì vậy hãy kí tên đóng dấu sau khi đã hiểu rõ nội dung hợp đồng. Hãy xác nhận lại những điểm còn chưa hiểu rõ với người phụ trách du học sinh của nhà trường hoặc sempai đã thông thạo cuộc sống tại Nhật.
(3) Thời hạn hợp đồng
Thời hạn của hợp đồng thường kéo dài khoảng 2 năm. Bạn hãy đọc kĩ những điều khoản về việc kéo dài thời hạn hợp đồng cũng như chi phí kèm theo.
(4) Không được cho người khác thuê lại nhà hay rủ người khác đến ở cùng khi không có sự cho phép của chủ nhà.
■Ở Nhật, những nhà cho thuê của tư nhân không cho phép người không kí hợp đồng đến ở cùng. Đây là 1 đặc thù sinh hoạt của Nhật khác với các nước khác. Trường hợp muốn sống 2 người, hãy nói điều đó với công ty bất động sản hoặc chủ nhà ngay từ đầu.
■Khi muốn cho người thân hay bạn bè ở cùng phòng, dù là thời gian ngắn thì cũng phải xin phép và nhận được sự đồng ý của chủ nhà. Những vấn đề nảy sinh khi cho người nước ngoài thuê nhà phần lớn là đến từ việc cho người ngoài vào ở cùng.
(5) Không cải tạo lại phòng mà không được sự cho phép của chủ nhà.
Bạn sẽ không được cải tạo lại căn phòng đã thuê nếu không được chủ nhà cho phép. Nếu có điểm bất tiện muốn thay đổi thì hãy bàn bạc trước với chủ nhà.
(6) Những điều cần lưu ý về việc chuyển đi
■Thời gian cần thông cáo trước về việc chuyển đi được ghi rõ trong hợp đồng. Thông thường là phải báo cho chủ nhà trước 1 tháng. Trường hợp thông báo gấp thì cho dù không ở nữa cũng sẽ phải trả 1 tháng tiền nhà.
■Theo nguyên tắc bạn sẽ phải đưa căn phòng về nguyên trạng ban đầu khi trả phòng cho chủ nhà. Hãy vứt những vật dụng không cần thiết đúng cách. Nếu bạn chuyển đi mà để rác cũng như những vật dụng không cần thiết lại thì sẽ gây phiền phức cho chủ nhà. Ngoài ra, bạn hãy thanh toán hết những khoản tiền phí như tiền điện, gas, nước hay điện thoại.
Người bảo lãnh khi kí hợp đồng thuê nhà là như thế nào ?
Trong hầu hết mọi trường hợp, khi tìm thuê nhà qua môi giới bất động sản, sẽ bị yêu cầu phải có “bảo lãnh người Nhật”. Dưới đây sẽ nói rõ về người bảo lãnh.
■Điều kiện để làm người bảo lãnh
Người bảo lãnh phải là người trưởng thành và độc lập về tài chính, tức là người mang lại thu nhập chính cho gia đình..
■Người bảo lãnh khi thuê nhà sẽ chịu trách nhiệm với khoản tiền chậm thanh toán
Trường hợp người thuê nhà không trả tiền thuê đúng hạn hoặc làm hư hỏng nhà mà không có tiền sửa, chủ nhà có quyền yêu cầu người bảo lãnh thanh toán các khoản trên. Điều đó có nghĩa là trên pháp luật, người bảo lãnh sẽ có nghĩa vụ trả các khoản nợ thay cho bạn.
Đối với hầu hết học sinh người Nhật, người thân trong gia đình (thông thường là bố) sẽ là người bảo lãnh. Khi học sinh thuê nhà không trả tiền thuê, chủ nhà hay công ty bất động sản sẽ liên lạc với bố mẹ học sinh để yêu cầu thanh toán.
■Người mà không biết rõ về bạn thì sẽ rất khó làm người bảo lãnh cho bạn
Người bảo lãnh phải chịu những trách nhiệm liên đới về tài chính với bạn, cho nên nếu bạn có nhờ người không biết rõ về bạn làm bảo lãnh thì người đó sẽ khó nhận lời. Vì vậy hãy thử nhờ những người biết rõ về bạn như là giáo viên trường tiếng Nhật hay người bảo lãnh khi vào đại học.
■Trường hợp nhà trường đứng ra làm bảo lãnh
Tùy từng trường, nếu tham gia chế độ hỗ trợ tổng hợp nhà ở cho du học sinh người nước ngoài của tổ chức Hỗ trợ học sinh Nhật Bản (JASSO), nhà trường sẽ trở thành cơ quan bảo lãnh cho bạn. Muốn gia nhập chế độ này phải có đủ các điều kiện dưới đây:
- Trường của bạn phải là thành viên của chế độ hỗ trợ nhà ở cho du học sinh người nước ngoài
- Bạn phải gia nhập vào bảo hiểm mà chế độ này chỉ định (Phí bảo hiểm 1 năm là 4.000 yên, 2 năm là 8.000 yên).
- Chủ nhà đồng ý với việc bảo lãnh theo tổ chức của chế độ này.
Muốn biết rõ hơn, hãy liên hệ với văn phòng nhà trường.
■Người bảo lãnh sẽ bảo lãnh cho bạn bằng con dấu thật
Người bảo lãnh khi đóng dấu vào hợp đồng, có thể bị yêu cầu gửi thêm giấy chứng nhận con dấu. Người Nhật có nghĩa vụ đăng kí thường trú tại quận huyện thành phố nơi lưu trú. Nếu đăng kí mẫu dấu lên cơ quan chức năng ở địa phương nơi đăng kí thường trú, sẽ được cấp cho giấy chứng nhận con dấu.
Tuy nhiên, nếu nhà trường làm cơ quan bảo lãnh cho bạn thì không cần giấy chứng nhận con dấu.
Leave a Comment